Hành trình đi từ Italia tới Việt Nam với chiếc Vespa cổ

Cách đây hơn 20 năm, một nhà văn Ý đã du hành khắp thế giới chỉ với chiếc xe Vespa PX cà tàng. Điều đặc biệt, chuyến đi đầu tiên của ông với chiếc xe là đến Việt Nam. Đó là Giorgio Bettinelli, một người Ý thật đặc biệt.

Chuyến đi này đã được mô tả lại trong cuốn sách “Vespa du ký”, vừa được Đại sứ quán Italia tại Việt Nam và Thái Hà books giới thiệu với độc giả Hà Nội, tới những người yêu Vespa, yêu văn học Ý và yêu những chuyến du hành.
Nói về Bettinelli, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Italia tại Việt Nam, Ngài Lorenzo Angelotti dùng một từ “đặc biệt”: “Giorgio Bettinelli là một người đặc biệt, vì không một người bình thường nào lại quyết định dấn thân vào một chuyến đi dài và chứa đựng nhiều bất trắc như vậy. Mỗi chuyến đi của anh chứa đựng nhiều điều, không chỉ những gì anh nhìn thấy, mà còn cả những điều anh cảm nhận được. Những cuộc hành trình nội tâm, đó là điều mà Giorgio cảm nhận được khi gần tới đích”.
Năm 1992, Giorgio Bettinelli có trong tay chiếc xe Vespa đầu tiên, từ một món nợ của anh chàng bồi bàn ở Bali (Indonesia). Ban đầu, chiếc xe cà tàng không thu hút sự chú ý của anh lắm, bởi quả thực Giorgio cũng chưa biết nên làm gì với nó. Nhưng ngay sau khi nhận lại chiếc xe đã được “tút” lại tinh tươm từ một tiệm sửa xe nhỏ ở Bali, anh đã nảy ra ý định dùng chiếc xe đi dọc các đảo của Indonesia, trước khi bay trở về Roma và từ đó đồng hành với chiếc xe qua 24 nghìn km đến tận TP Hồ Chí Minh của Việt Nam trong gần một năm sau đó.

Trong cuốn sách của anh, hình ảnh những vùng đất, con người hiện ra đầy hồn hậu và dễ mến, dường như bởi vì anh nhìn tất cả mọi vật, mọi điều dọc chuyến du hành của mình bằng trái tim chân thành và rộng mở.
Hãy đọc vài dòng anh viết về những ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh: “Với bộ ria còn lấm lem, tôi rống lên một tiếng dài, thoạt đầu còn dè dặt, sau thật vô tư, trong sự hiếu kỳ thích thú của một vài người Việt Nam đã bắt đầu tụ tập quanh tôi và lắc đầu vẻ hoài nghi, giữa một bên là sự tôn trong mơ hồ không rõ lý do và một bên là sự nhận thức hoàn toàn có căn cứ về sự táo bạo của kẻ khác. Họ hỏi tôi bằng thứ tiếng Anh táo bạo, du dương với âm điệu kỳ lạ của những ngôn ngữ có thanh điệu, sau khi nhìn thấy biển xe “Roma” và dòng chữ lạ lùng trên thân xe “From Italy to Vietnam”.
Và hình ảnh của Việt Nam trong anh là: “Bi kịch của chiến tranh và tiếng vang khó sánh kịp (có lẽ là không thẻ sánh kịp) của nó trên báo chí quốc tế, trong điện ảnh, công luận và tâm trí của ít nhất hai thế hệ người phương Tây đã khiến Việt Nam trở thành một quốc gia đặc biệt, mang những ý nghĩa hình tượng và ẩn ý giàu cảm xúc mà chắc chắn không đất nước nào có được, đã thần thoại hóa con người Việt Nam, ít ra là trong mắt tôi, gán cho họ tính cách kiên cường và khả năng chịu đựng vô hạn”.
Chiếc Vespa PX có dòng chữ "From Italy to Vietnam" bên hông.

Chiếc Vespa PX có dòng chữ "From Italy to Vietnam" bên hông.
Chuyến đi Việt Nam chỉ là một khởi đầu cho những chuyến du hành vạn dặm của Giorgio. Sau khi đặt chân đến TP Hồ Chí Minh vào tháng 3-1993, Giorgio Bettinelli đã cùng chiếc xe của mình rong ruổi hơn 36 nghìn km đến vùng Alaska trong hai năm 1994 và 1995. Hai năm tiếp theo, anh đi từ Melbourne (Australia) đến Nam Phi, vượt qua chặng đường dài hơn 52 nghìn km. Năm 1997, Bettinelli chinh phục 150 nghìn km từ Chile đến Tasmania, xuyên qua Mỹ, Serbia, châu Âu, châu Phi, châu Á. Trong suốt chuyến hành trình này, anh đã học được sáu ngôn ngữ khác nhau: tiếng Anh, Indonesia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Nga và Pháp. Ngoài ra, cùng với nghệ sĩ nổi tiếng người Ý Lucio Violino, Bettinelli đã hoàn thành một đĩa nhạc với 14 bài hát, xuất phát từ cảm hứng mỗi khi anh đặt chân đến những vùng đất mới.
Ngày 16-9-2008, Giorgio Bettinelli qua đời ở Trung Quốc.
Đối với những người từng gặp Bettinelli, ấn tượng về anh thật đặc biệt. Ông Giusseppe Messina, Giám đốc chiến lược marketing châu Á – Thái Bình Dương của Piagio đã từng gặp Bettinelli tại Roma năm 1993, trước khi anh chuẩn bị sang Việt Nam. Ông Messina kể lại, Bettinelli coi chiếc Vespa như một con người, vì thực tế, đó là người bạn đồng hành trung thành của anh trong hầu hết các chuyến đi (trừ chuyến đi cuối cùng, anh sử dụng một chiếc xe GT Granturismo), và trong suốt cả cuộc đời anh. Nhiều người cũng chọn Vespa là phương tiện cho những chuyến đi của mình, nhưng chỉ có Bettinelli là thực sự mạo hiểm với những cung đường khắp thế giới, đến mức chiếc xe đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời anh, và luôn gắn liền với hình ảnh của anh dù ở bất kỳ đâu.
Trong cuốn sách của anh cũng có đề cập đến một nhân vật đặc biệt: đó là anh Hoàng Minh Tâm, một trong những nhân viên người Việt hiếm hoi ở Đại sứ quán Italia tại Hà Nội những năm 90. Anh Tâm được mô tả trong cuốn sách với cái tên là Tanh (do Bettinelli phát âm không rõ tên tiếng Việt của anh), một người có khả năng “làm tuốt”, từ lái xe, thông dịch viên, người đưa tin, người lo liệu giấy tờ đồng thời biên dịch và đánh máy các loại giấy tờ đó.
Chiếc xe của Bettinelli được gửi từ Nong Khai tới Bangkok và từ đó gửi qua đường hàng không tới Nội Bài để làm thủ tục nhập cảnh, còn anh thì bắt chuyến bay từ Vientian tới Hà Nội. Thời kỳ đó, chưa một người nước ngoài nào có thể đem xe máy vào Việt Nam. Anh Hoàng Minh Tâm đã phải đi lo toàn bộ giấy tờ, từ xin phép Tổng cục Hải quan cho tới điều đình đặt cọc với các nhân viên hải quan ở sân bay để đưa chiếc xe vào Việt Nam theo phương thức “tạm nhập tái xuất”.
Anh Tâm kể, khi dỡ chiếc xe ra khỏi thùng, và đem những giá hàng, kính chắn gió và túi để đồ gắn trở lại vào thân xe, trong đôi mắt của Bettinelli ngân ngấn những giọt lệ. Niềm vui, niềm hạnh phúc của mục đích cuối cùng đã đạt đạt được trong chuyến đi đã dân trào trong mắt Bettinelli, và đó là lần đầu tiên anh Tâm cảm nhận được điều này ở một người đàn ông nước ngoài khi đặt chân đến Việt Nam.
Qua đời vì bệnh nặng tại Trung Quốc, để lại sau lưng những chuyến đi còn dang dở, nhưng Giorgio Bettinelli đã trở thành một biểu tượng của những người đam mê du hành, khám phá và cảm nhận thế giới bằng cả trái tim mình.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét