Vespa trên đường quê Việt

Giấc mơ nước Ý

E.M. Forster, nhà văn Anh, đã viết: “người Ý, còn đẹp đẽ, tuyệt diệu hơn xứ sở của họ”. Hình dong đẹp đẽ, la bella figura, là một chuẩn mực tối quan trọng của người Ý. Xứ sở của những thương hiệu thời trang lừng danh xứng đáng để ăn mặc đẹp, vì những lụa là, nhung gấm đó không hề đối chỏi với những người mặc nó. Những người Ý tôi thấy trên đường chỉ có hai loại: đẹp ít hay đẹp nhiều, không có người xấu. Như một sân bóng khổng lồ, đường phố tôi qua ở Milan, Venice, Florence, Pisa, Luca… đầy ắp những cầu thủ Ý đẹp trai, đầy nam tính, tóc đen nhánh, da nâu, miệng rộng cười tươi đầy nhục cảm. Sánh cùng những bản sao đẹp đẽ của tượng David này là những signora Ý đẹp mê hồn với làn da mịn màng trắng như tuyết, tóc đen nhánh như mun. Cái đẹp chết người mà ta thường gặp trong những tạp chí thời trang, dường như đổ ào ra một cách hào phóng trên đường phố.

Vespa Ý ở Venice

Triết lý la belle figura không chỉ hiện diện trong hình dong và trang phục, mà còn tồn tại trong tất cả các sản phẩm được làm ra từ bàn tay và khối óc Ý. Từ những đồ mỹ nghệ trang sức mong manh, đẹp đẽ, xinh xắn, cho đến những sản phẩm công nghiệp lừng danh về độ bền bỉ, cũng như tính mỹ thuật của nó. Tốt, nhưng phải đẹp, và đẹp thượng hạng, đó là triết lý sản xuất theo kiểu bella figura. Bằng đầu óc thẩm mỹ tinh tế, trình độ cao về kỹ thuật và bàn tay khéo léo, người Ý đã làm cho kinh tế xuất khẩu của nước mình đứng hàng thứ 7 thế giới.Không dưới một lần, gã bộ hành là tôi phải dừng chân để xuýt xoa ngắm những chiếc Ferrari, Alfa Romeo, Lamborghini… đậu san sát bên đường. Bên cạnh những tác phẩm công nghiệp tuyệt đẹp này, Harley Davidson, Hummer của con cháu chú Sam trở thành thô kệch, quê mùa một cách tội nghiệp.

Và chắc chắn, không thể không nhắc đến Vespa – con ong nước Ý. Cùng với chiếc xa mã (chariot) thời La Mã cổ đại, Vespa đã được mệnh danh là chiếc xe tuyệt vời nhất mà người Ý đã thiết kế trong lịch sử. Và với gã thị dân Sài Gòn đi bụi trên đất Ý, làm sao không khỏi trầm trồ khi thấy những chiếc Vespa Ý đủ màu sắc tươi đẹp vòng vèo trên đường phố Ý, cũng đầy màu sắc. Chi với tiếng nổ phành phạch với làn khói thơm thơm như một sợi chỉ trắng luồn qua các phổ cổ Venice, trong phút chốc thôi mà cả ký ức tuổi thơ hiện về.

Vespa và hoài niệm Sài Gòn

Nếu lịch sử nước Mỹ có phần can dự rất lớn của chiếc xe hơi, thì sự hình thành Sài Gòn không thể tính đến xe gắn máy. Thập niên 50 mở màn sự du nhập của nhiều thương hiệu xe máy Nhật Bản, châu Âu (Đức, Ý, Pháp…) vào các đô thị miền Nam. Những vòng xe hai bánh này đã làm thay đổi diện mạo đô thị, đời sống kinh tế cũng như cuộc sống của từng gia đình. Xe máy là tiện nghi, là năng động. Xe máy để đi học, đi làm, chạy chợ, vợ chồng con cái chở nhau dạo phố, sinh viên học sinh trong “những chủ nhật uyên ương, hẹn hò đây đó[1]” trong, xe để chở hàng, chở gà vịt nông phẩm ra chợ…

Không thể hình dung được hơi thở của miền Nam trước đây nếu không có hình ảnh thiết thân của chiếc xe gắn máy.

Mà nghĩ cũng lạ! Thời đó người ta không quảng cáo, không marketing, không bàn đến những khái niệm về “phân khúc thị trường”, nhưng chiếc Vespa thời đó đã tự định vị giá trị của mình rất rõ. Người lao động chân tay, đông con nheo nhóc không đi Vespa đã đành, vì nó đắt và không chở được nguyên cả bầu đoàn thê tử. Mà ông thầu khoán giàu nổi, chị tiểu thương vàng đeo rủng rỉnh… cũng thấy ít ai dám chạy Vespa. Vì Vespa gần như là chiếc xe dành cho giới trí thức trung hay thượng lưu thời ấy.

Ngoài giá cả, những lý do làm cho Vespa chỉ dành cho giới trung lưu là phân khối lớn, phải có bằng lái và trên 18 tuổi. Và thường là dân trí thức mới có thể tự tin đi Vespa mà không sợ bị chê “giàu nổi”.

Vespa trên đường Tự Do, Sài Gòn

Trừ một ít xe hơi của các giáo sư, sân trường Đại học Y khoa hồi đó đầy ắp Vespa của các sinh viên, bác sĩ. Các thầy giáo trung học mỗi cuối tuần chở vợ đi thương xá Tax hay Eden, cũng thường trên chiếc Vespa. Và bãi giữ xe trước nhà hát Thành phố bây giờ, mỗi sáng chen chúc rất nhiều Vespa của đám ký giả, phóng viên, hay giới văn nghệ sĩ Sài Gòn năm ấy tụ bạ với nhau ở quán Givral, nay đã đi vào lịch sử.

Bãi giữ xe trước thương xá Eden năm 1965 đầy ắp Vespa (nguồn: Internet) 
Với cuốn phim “Roman Holiday” và khuôn mặt thanh tú của Audrey Hepburn, chuyền tay nhau cuốn tiểu thuyết phóng tác “Tình Mộng” của Hoàng Hải Thuỷ, giới trẻ Sài Gòn thời ấy đã xem những vòng quay Vespa là biểu tượng của sự thanh lịch, giấc mơ tự do đầy nắng và gió.

Audrey Hepburn và Vespa trong phim Roman Holiday (nguồn: Internet)
Bằng cách “trao thân gởi phận” cho tầng lớp thị dân trung lưu và trí thức của Sài Gòn cũ, chiếc Vespa, cùng với những người ngồi trên nó đã là một phần không thể thiếu của dung mạo văn hoá Sài Gòn xưa. Dân chơi Vespa cổ trên toàn thế giới biết rõ điều này. Ông Bảy Túy, chủ hiệu sửa xe Vespa trên đường Võ thị Sáu cho biết: các nước phương Tây đang ưa chuộng những chiếc xe Vespa cổ có xuất thân từ Việt Nam, vì có giá trị lịch sử cao. Ngày càng nhiều thanh niên trẻ ở các nước Pháp, Ý, Hà Lan… sang Việt Nam thu gom những chiếc xe mà chủ nhân của nó trước đó là những giáo sư, bác sĩ, luật sư của Sài Gòn và lục tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chỉ trong 3 tháng, tiệm sửa xe của ông Bảy Túy đã cho “xuất ngoại” trên 100 chiếc Vespa các loại, nhiều nhất là Vespa ACMA, Vespa Standard và Sprint.

Vespa trên đường quê Việt

Ký ức mịt mù của tuổi thơ tôi cũng mang nhiều giấc mơ hình con ong hai bánh khi còn là một chú nhỏ, đứng ôm tay lái trên chiếc Vespa nổ giòn giã của cha. “Tưởng rằng đã quên”[2], nhưng khi ngửi thấy làn khói thơm thơm từ những chiếc Vespa Ý, cứ tưởng như đã chạm tay vào một tuổi thơ đã rất xa vời.

Phải rất nhiều năm sau đó, tôi mới được ngồi lên chiếc Vespa của mình. Không cần quan tâm đến những thông số kỹ thuật như moment xoắn, hệ số nén, trọng tải… (vì ai chả biết Vespa là tốt), chiếc Vespa của tôi đẹp, êm ái, lăn bánh êm như ru trên đường phố Sài Gòn. Như nó đã từng với cha tôi năm ấy!

Nhưng Vespa không chỉ là chiếc xe để chạy kiểng trong đô thị chật hẹp. Nó cũng đã cùng tôi rong ruổi một mạch hơn 500 km đường quê, đi qua bao nhiêu kênh rạch, sông nước, ruộng đồng mênh mông… của miền Tây Nam bộ trong những ngày hè nóng như thiêu đốt. Chưa một lần trong đời, tôi chạy xe máy liên tục với một quãng đường dài như vậy, với một sự thoải mái nhẹ nhõm như vậy. Chỉ cần bấm nhẹ nút đề, sau tiếng khởi động rèn rẹt rất đặc trưng của Vespa đời mới, động cơ đã nổ êm như ru. Chỉ cần một cú vít ga nhẹ, chiếc xe của tôi đã nhẹ nhàng lăn bánh trên những nẻo đường quê rợp bóng. Với trọng lượng của 2 người, nó đằm, êm và không dằn xóc. Tốc độ vọt của nó chắc chắn không thể so được với những chiếc xe côn tay, xe số hay mô tô phân khối lớn. Nhưng khi đã bắt trớn, nó lướt nhẹ nhàng, êm ái. Nó xuyên qua những cánh đồng mới gặt, những đám khói đốt đồng, qua những thôn xóm trù phú, xanh tốt, như một chú ngựa non đỏm dáng, thuần tính và cực kỳ duyên dáng. Chỉ hiềm làn khói và tiếng nổ phành phạch của Vespa hai thì ngày cũ, nay đã không còn. Nhưng biết làm sao được, thời buổi phun xăng điện tử, xe chạy xăng, lại theo chuẩn khí thải Euro 3, lấy đâu ra cái mùi khói thơm thơm quen thuộc ngày nào?

Tôi đã dựng nó trước một ngôi nhà cổ ở thị xã Sa Đéc, tần ngần nhìn tấm di ảnh xưa ố vàng của ông Huỳnh Thủy Lê, một đại điền chủ miền Tây, nhân vật chính trong cuốn tự truyện “Người tình” của Marguerite Duras. Chiếc Vespa của tôi cũng đã cùng chủ nhân của nó soi bóng bên dòng sông Tiền, sông Hậu, bên dưới bóng dáng kỳ vĩ của những cây cầu Rạch Miễu, Cần Thơ. Và như chiếc xe hơi đen bóng trong phim Người Tình, nó cũng đã chen chúc giữa một rừng xe máy, hàng rong…, xình xịch qua sông bằng những chuyến phà ngang.

Và trong một buổi chiều muộn, ghé chiếc Vespa bên vệ đường để nhìn nắng chiều đang xuống trên mái ngói rêu phong của một ngôi nhà cổ Trà Vinh, mới hiểu rằng mình đã đi qua miền Tây với rất nhiều ký ức và thương mến quê hương nghèo khó.

Với một chiếc xe không tuổi như Vespa, với nắng gió, sông nước miền Tây, người ta đang già đi hay trẻ lại?


Viết từ Sài Gòn sau chuyến Photo Tour “Theo dấu Người Tình”

0 nhận xét:

Đăng nhận xét